Trong một động thái được dự báo chắc chắn sẽ phải đón nhận các đòn trả đũa của Moskva, ngày 29/7, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần như đồng thời công bố những lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cáo buộc nước này có vai trò trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuy nhiên, những biện pháp này của Mỹ và EU lại không hề mang lại lợi ích trực tiếp nào đối với tình hình thực địa. Xung đột tại miền Đông giữa quân đội Ukraine và các lực lượng đòi ly khai vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Các lệnh trừng phạt mới Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga, với việc ngừng xuất khẩu, đóng băng các khoản tín dụng khuyến khích xuất khẩu sang Nga, cũng như cung cấp tài chính cho các dự án phát triển kinh tế của Nga. Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ nhằm vào 3 ngân hàng có trụ sở ở Moskva gồm Ngân hàng Moskva (Bank of Moscow), Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Russian Agricultural Bank) và Ngân hàng VTB (“Bank VTB” (OAO), trước là Ngân hàng Ngoại thương Vneshtorgbank). Với lệnh trừng phạt này, 3 ngân hàng của Nga sẽ không được phép nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Mỹ. Ngoài ra, Công ty đóng tàu United Shipbuilding Corp. ở thành phố St. Petersburg cũng nằm trong diện bị trừng phạt. Phát biểu với báo giới khi công bố các lệnh trừng phạt mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, những biện pháp trừng phạt này không phải là dấu hiệu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà chỉ là một động thái mới của Mỹ nhằm gia tăng sức ép buộc Moskva phải có những bước đi cụ thể nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Ông Obama cảnh báo Nga sẽ bị cô lập hơn và nếu tiếp tục can thiệp vào Ukraine sẽ phải hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trước đó vài giờ, trong một động thái tương tự, EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng nhằm vào Nga với hy vọng buộc Moskva đảo ngược cách tiếp cận tại Ukraine . Những biện pháp trừng phạt mới này vượt ra khỏi các lệnh phong tỏa tài sản và cấm thị thực đang được áp dụng cho đến nay, theo đó áp đặt những hạn chế trong các lĩnh vực mà khối này cho là “nhạy cảm” như tài chính, quốc phòng, năng lượng, hàng hóa lưỡng dụng và các công nghệ nhạy cảm nhằm khiến Nga chịu tổn thất lớn hơn sau cáo buộc nước này tiếp tục can thiệp và hỗ trợ lực lượng nổi dậy thân Moskva ở Ukraine. Bên cạnh đó, EU cũng đồng thời thông báo đóng cửa các thị trường vốn đối với các ngân hàng mà Nhà nước Nga có cổ phần. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, quyết định của EU là “việc không thể đừng” và giờ là lúc các nhà lãnh đạo Nga phải quyết định liệu họ có muốn hạ nhiệt căng thẳng và hợp tác hay không. Cũng theo bà Merkel, sau 3 tháng, các lệnh trừng phạt của EU có thể sẽ được xem xét xét lại khối này cũng hoàn toàn có thể đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn.
Ngoài Mỹ và EU, cũng trong ngày 29/7, Canada cũng công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Đây là vòng trừng phạt thứ 11 mà Canada áp đặt lên Nga kể từ tháng 3/2014, cho đến gần đây chủ yếu nhằm vào các cá nhân và công ty có quan hệ thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh, vòng trừng phạt mới sẽ đặt Canada trong sự “phối hợp chặt chẽ” với hai đồng minh của mình. Về phía Nga, trong một phản ứng mới đây, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định, điều này (các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU - PV) sẽ không hề mang lại hiệu quả, cũng như không giúp ích gì được cho việc giải quyết căng thẳng. Ông Lavrov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt hiếm khi đạt được mục đích và điều này cũng đúng trong trường hợp của Nga. Tuy nhiên, có thể nhờ những lệnh trừng phạt này, nước Nga sẽ ngày càng độc lập và tự tin hơn vào sức mạnh của mình. Theo nhận định của giới chuyên gia, những lệnh trừng phạt của Mỹ và EU thực chất là xuất phát từ những xung đột về lập trường với Nga và chính vì thế nó không hề mang lại tác động trực tiếp tới tình hình Ukraine, mà thậm chí còn khiến căng thẳng ngày càng leo thang, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống của Ukraine. Diễn biến tại thực địa ở Ukraine Ngày 30/7, quân đội Ukraine tuyên bố đã giành quyền kiểm soát Avdiyivka, thị trấn có khoảng 40.000 dân cách Donetsk hơn 10km về phía Bắc, đồng thời chặn một đoàn xe đến từ Nga. Trong khi đó, giao tranh xuất hiện tại khu vực xung quanh địa điểm rơi máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines khi lực lượng chính quyền tuyên bố họ đang tiến hành chiến dịch "càn quét" tại thị trấn Ilovaysk, cách địa điểm rơi MH17 khoảng 40km về phía Tây. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tấn công, quân đội Ukraine đã giành lại một loạt thị trấn chủ chốt trong vài tuần qua. Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 29/7 nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến vụ MH17, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã nhất trí tuân thủ các quy định trong Nghị quyết 2166 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện và độc lập về vụ rơi máy bay, đồng thời ngừng toàn bộ các hoạt động quân sự tại khu vực máy bay gặp nạn. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm thiết lập các điều kiện cho việc thực hiện thỏa thuận Geneva hồi tháng 4 năm nay, trong đó xác định các bước đi cụ thể đầu tiên nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine. Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga còn kêu gọi Mỹ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình nhằm thúc giục chính quyền Ukraine tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn và tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình quốc gia. Cũng trong ngày 29/7, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố về cuộc điều tra vụ rơi máy bay MH17, trong đó khẳng định Ukraine đang cản trở cuộc điều tra quốc tế nhờ sự bao che của phương Tây. Tuyên bố nêu rõ phái đoàn Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lưu ý các đối tác về việc chính quyền Kiev vi phạm các yêu cầu của HĐBA, đồng thời đề nghị HĐBA ra tuyên bố yêu cầu chấm dứt các hoạt động quân sự trong khu vực máy bay rơi theo tinh thần của Nghị quyết 2166 |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét