GiadinhNet - Theo quyết định của Sở GTVT TP HCM khi thi công đoạn metro đi ngầm một số đoạn đường khu trung tâm sẽ cấm các phương tiện tham gia giao thông. Xung quanh khu vực thi công, một số bãi giữ xe có thu phí cũng bị hủy bỏ. Hàng ngàn hộ dân buôn bán quanh trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi… đang lo đến “mất ăn, mất ngủ”.
“Lô cốt” phong tỏa khu trung tâm Công ty Công viên cây xanh TP HCM đang tiến hành đốn hạ một loạt cây xanh trước cửa Nhà hát thành phố và đường Lê Lợi để chuẩn bị cho việc thi công nhà ga metro tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Các hạng mục khác trước khuôn viên Nhà hát thành phố cũng bắt đầu được di dời. Ngoài ra, rặng liễu và bồn nước tại vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi cũng được di dời để thi công nhà ga metro và nâng cấp đường Nguyễn Huệ. Ban quản lý dự án 1 (thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM) cho biết, trong số cây xanh trước Nhà hát thành phố, cây nào không nằm trong phạm vi dự án thì sẽ được giữ lại. Ngày 25/7, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM đã động thổ xây dựng nhà ga ngầm tại giao lộ đường Nguyễn Huệ với đường Lê Lợi. Việc đốn hạ cây xanh và di dời các hạng mục khác cũng đang được triển khai gấp rút để bắt tay vào xây dựng nhà ga ngầm đồng bộ với việc nâng cấp đường Nguyễn Huệ vào tháng 4/2015. Nhà ga ngầm sẽ gồm 4 tầng, nằm ở độ sâu 40 mét dưới lòng đất. Chiếm dụng mặt đường và thi công lâu nhất là đoạn đi ngầm từ Nhà hát thành phố đến Ba Son, sẽ thi công trong thời gian 2 năm và đã khởi công từ ngày 22/7. Ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng (Sở GTVT TP HCM) cho biết, việc rào chắn để thi công có thể sẽ gây ra kẹt xe ở nhiều nơi và làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Vì vậy, Sở GTVT đã lên phương án phân luồng cụ thể cho từng tuyến đường và người dân dựa vào sự phân luồng này để đi lại. Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết, việc thi công ngầm rất phức tạp và có thể gây rủi ro cho các công trình, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng khu vực trung tâm TP HCM do nơi này thuộc vùng đất yếu. Thi công ga Nhà hát thành phố, toàn bộ khu vực đường Lê Lợi, đoạn từ Pasteur đến đường Đồng Khởi và một phần đường Nguyễn Huệ đã bị “lô cốt hóa” từ ngày 22/7, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân và các doanh nghiệp trong khu vực này. Lo mất di sản, mất chỗ làm ăn Chị Ngọc Hằng, buôn bán văn phòng phẩm và hàng mỹ nghệ lưu niệm tại số 72A Lê Lợi tiếc nuối: “Hàng cây sao, cây dầu ở đây đã gắn bó hàng trăm năm với bao thế hệ người dân thành phố. Nó đã là một ký ức đẹp mà bây giờ bị chặt bỏ hết thì quá tiếc, nhất là khu vực này từ bao đời nay đã là một “mặt tiền” của thành phố. Từ một tuần qua, con đường buôn bán sầm uất nhất thành phố cũng đã bị “phong tỏa”, cấm xe cộ đi lại thì chúng tôi buôn bán, làm ăn ra sao? Mà chưa biết đến khi nào thì thi công, lúc nào thì công trình hoàn thành để chúng tôi sắp xếp làm ăn, ổn định cuộc sống?”. Tiếc nuối, ngậm ngùi hơn là ông Trần Quang Tuấn, 78 tuổi, ngụ tại hẻm 31 Lê Lợi: “Con đường này đã chứng kiến bao nhiêu sự kiện biến động lịch sử trong suốt gần 100 năm qua. Đây cũng là một trong những con đường, mà theo tôi biết, đã được thành phố quy hoạch phải bảo tồn về cảnh quan kiến trúc, không gian đô thị… với rất nhiều cây xanh, công trình kiến trúc gắn với sự phát triển của thành phố. Về lịch sử, đây là con đường gắn với biết bao cuộc xuống đường, biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, đòi quyền sống của bao thế hệ người dân thành phố… Nó đã mất đi dần với nhiều công trình “hoành tráng” từ hàng chục năm nay, bây giờ thì coi như là mất hết chẳng còn một dấu tích gì ngoài chợ Bến Thành ở đầu đường và Nhà hát thành phố ở cuối đường”. Theo TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học (ĐH Kinh tế TP HCM), việc phát triển đô thị luôn có sự xung đột với bảo tồn. Vấn đề ở chỗ, người làm quy hoạch sẽ giải quyết sự xung đột đó theo cách nào. Một đường xuống hay lên một trạm metro ngay khu trung tâm, nơi tập trung một nút giao thông lớn, thu hút khách du lịch là nên làm nhưng nó làm xáo trộn cảnh quan, sinh hoạt, buôn bán… và nhất là mất nhiều mảng xanh quan trọng như thế thì phải tính toán cái giá phải trả sau này.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét